{Tết yêu thương} Cà phê chiều Thứ sáu: Chiếc phong bì màu trắng
hoachoctro.vn - Vào đêm giao thừa, tôi đặt một chiếc phong bì trắng vào giữa những món quà mọi người gửi đến cho bố.
Bố tôi rất ghét ngày lễ tết, không phải là ghét những truyền thống và phong tục, mà là phần "thương mại hoá": việc chi tiêu quá mức, việc cuống cuồng chạy ra siêu thị vào những phút cuối cùng để mua một chiếc cravat cho chú Harry hay một chiếc lược cho bà, những món quà được tặng trong sự vội vã chỉ vì không thể nghĩ ra thứ gì khác.
Là con cả và là người "thân" với bố nhất, tôi luôn biết rõ bố cảm thấy thế nào. Chính vì vậy, tới một năm, tôi quyết định không mua tặng bố những món quà thông thường.
Em út của tôi, Kevin, năm đó 8 tuổi. Ngay trước kỳ nghỉ cuối năm, nó cùng đội đấu kiếm của trường "thi đấu giao hữu" với đội đấu kiếm của trại trẻ mồ côi. Đa số những cậu bé trong đội đấu kiếm đó là người da đen, các em mặc những bộ quần áo cũ, thậm chí sờn rách, trái ngược với đội quân hùng hậu của trường Kevin, tất cả đều mặc đồng phục màu xanh với những chiếc mũ bảo vệ bóng loáng.
Khi trận đấu bắt đầu, tôi giật mình vì nhìn thấy đội đấu kiếm của trại trẻ mồ côi tham gia mà không hề có mũ bảo vệ. Có lẽ đó là món đồ xa xỉ mà họ không thể mua được.
Tất nhiên, kết cục là đội của trường Kevin đã nuốt chửng đội trại trẻ mồ côi. Nhưng mỗi khi một cậu bé da đen bị thua, cậu ta vẫn cúi chào và mỉm cười tự tin, một kiểu tự hào của trẻ con khi chưa biết nỗi buồn thất bại.
Bố ngồi cạnh tôi lắc đầu buồn bã:
- Giá như chỉ một cậu bé da đen thắng được... - Bố nói - Chúng rất có tiềm năng, nhưng thua liên tục thế này có thể làm chúng nhụt chí...
Bố tôi rất yêu trẻ con và hiểu chúng, vì bố từng làm huấn luyện viên cho đội bóng đá và bóng chày nhi đồng.
Đó là khi ý tưởng về một "món quà" cho bố xuất hiện. Ngay chiều hôm đó, tôi "mổ lợn" và đi mua 12 chiếc mũ bảo vệ, rồi gửi đến đội đấu kiếm của trại trẻ mồ côi mà không đề tên người gửi.
Vào đêm giao thừa, tôi đặt một chiếc phong bì trắng vào giữa những món quà mọi người gửi đến cho bố. Trong đó, tôi viết về việc tôi đã làm và nói rằng đó là món quà tôi tặng bố. Bố chưa bao giờ vui như thế.
Và cứ thế mỗi lần năm mới đến, khi thì tôi gửi cho những trẻ em khuyết tật một ít sách, khi thì gửi một "tài khoản" cho cậu bé ở phố bên cạnh mới bị cháy nhà....
Và cứ như thế chiếc phong bì trắng luôn là món quà được bố mở cuối cùng, và đọc cho các em tôi cùng nghe, trong khi ngồi đứng bên cạnh bố, đỏ mặt vì tự hào.
Đầu năm ngoái, bố tôi đã mất vì ung thư. Vào những ngày cuối năm, tôi quá buồn bã tới mức chẳng nghĩ tới việc chuẩn bị một món quà nào cho ai. Và cũng chẳng chuẩn bị một chiếc phong bì trắng nào.
Nhưng sáng hôm sau, tôi thấy trên bàn có tới ba chiếc phong bì trắng. Mỗi đứa em tôi đã làm một chiếc phong bì, kể lại những việc tốt mình đã làm.
"Truyền thống" của gia đình tôi đã "lan truyền" tới các em tôi, và tôi chắc chắn rằng sẽ còn kéo dài nữa. Dù bố tôi không còn đọc những phong bì màu trắng vào ngày đầu năm, nhưng tôi tin rằng bố vẫn luôn ở bên cạnh chúng tôi, bất kỳ thời điểm nào.