Rơi nước mắt nghị lực của bé 13 tuổi(24h) - Bố mẹ phải lĩnh án hơn 10 năm tù vì buôn bán "hàng trắng", em Lương Văn Mậu (SN 1997) trú ở bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh (Tương Dương – Nghệ An) ở với ông bà ngoại. Vì dị tật bẩm sinh nên suốt 5 năm đến trường cậu bé phải bò lê bằng 2 tay.
"Mồ côi" cả cha lẫn mẹ vì ma túy
Theo lời ông La Văn Thông (SN 1948 - ông ngoại Mậu), ngày Mậu lọt lòng mẹ các y tá cũng như gia đình đứng ngồi không yên, thậm chí vã mồ hôi hột vì cái thai quá to. Thai to ở đây không phải là to khỏe bụ bẫm, mà bởi thai nhi bị dị tật, hai chân co quắp, dính chặt phía sau lưng.
"Ngày nó ra đời, con Hồng (mẹ Mậu) nhiều đêm trằn trọc không ngủ được. Có hôm nằm nhìn đứa con tàn tật, mẹ nó khóc sưng húp hai mí mắt. Vừa buồn chuyện con lại thêm gười chồng trở tính đi về thất thường, tính tình cáu bẳn, mẹ nó nhiều khi nghĩ quẩn. Mà đâu phải do gen, bố mẹ khỏe lắm, thằng con trai đầu kháu khỉnh thế cơ mà...", ông Thông kể. Rồi như sực nhớ ra điều gì, ông ngồi phắt dậy: "Đúng rồi, hay là tại cái con "ma thuốc độc?"
Ông kể, trước kia chị La Thị Hồng và chồng là Lương Xuân Tình bị ma túy cuốn vào lối sống nghiện ngập và tham gia mua lẻ ma túy về đem chia nhỏ bán cho các con nghiện khác.
Mậu phải dùng 2 tay để tới trường...
Trong một lần giao dịch tại vùng rừng huyện miền núi Kỳ Sơn, Lương Xuân Tình bị công an bắt quả tang. Qua lời khai, người vợ cũng bị bắt ngay sau đó. Thế là cả hai vợ chồng dính vào vòng lao lý, mỗi mức án ít nhất trên 10 năm. Ngày hai vợ chồng lĩnh án, em Mậu đang học lớp 1.
"Sau phiên tòa, bố mẹ nó bị dẫn giải về trại, thằng Mậu ngồi trong lòng tôi khóc nứa nở gọi bố, gọi mẹ. Một đứa trẻ mới lên 6 làm sao mà nhận thức được hai chữ tù tội hở chú, nó chỉ nghĩ rằng bố mẹ đang bị người ta lôi kéo "đánh đập" nên khóc đòi thôi. Nó không biết rằng còn mười mấy năm nữa bố mẹ nó mới hết án trở về", ông Thông kể trong nước mắt.
Ngày bố mẹ Mậu lãnh án, tối đến Mậu nằm quay cùng giường, với ánh mắt ngơ ngác nó hỏi: "Ông ơi mẹ sao lâu về, sao không thấy cha?". Những câu hỏi của Mậu khiến ông Thông đau nhói. Không muốn tâm hồn đứa cháu thơ bị tổn thương, ông Thông đành lòng nối dối cho qua chuyện rằng mẹ lên nương, cha đi rẫy để mua bánh và mua kẹo về cho Mậu.
Nghị lực từ 2 cánh tay
Hôm chúng tôi lên nhà, Mậu cùng anh trai và mấy đứa trẻ hàng xóm đang đùa nghịch trên gác. Nghe tiếng xe máy nổ em bò lê vội xuống dưới. Ánh mắt tròn đen nhánh cứ nhìn chăm chăm vào chúng tôi, miệng múm mím cười đùa như biết được chúng tôi là người nơi khác đến.
Nhưng khi nhắc đến cha mẹ, Mậu bất chợt thu mình sau lưng ông Thông: "Cháu không biết mặt mẹ, cháu chỉ nghe ông kể lại là cháu có bố mẹ thôi. Một lần cháu cũng đã viết thư cho mẹ, nhưng nội dung cháu viết chung chung lắm, cháu chỉ nói mẹ mau về, đám bạn đi học cùng hay được bố mẹ đón đưa, mẹ mau về đón con đi học mẹ ơi...".
Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Thảo - giáo viên chủ nhiệm cũng là người trực tiếp giảng dạy Mậu cho biết, không được lành lặn như các bạn cùng trang lứa và thiếu thốn thốn tình cảm của cha, hơi ấm của mẹ, Mậu rất đáng thương.
Trời khô ráo, em tự bò từ nhà đến trường. Có hôm được bạn học cùng lớp chở đi bằng xe đạp. Có hôm trời mưa đường trơn em đành phải ở nhà rồi mượn vở bạn bè chép lại. Nhiều hôm vì đói quá nên ngồi ngơ ngẩn trong góc lớp như người mất hồn. Lại có hôm bút hết mực không dám mượn ai, ngồi nhìn chăm chăm lên bảng nghe cô giảng bài, thương trò nên cô phải trích lương cá nhân ra giúp.
Với Mậu, cô Thảo nhận thấy những tố chất siêng năng, chăm chỉ và ngoan hiền của cậu học sinh này. Năm cuối vừa rồi, mặc dù không được tiên tiến nhưng điểm trung bình cả năm của em cũng ở mức 6.5. Nếu được đầu tư, kết quả học tập của Mậu chắc chắn sẽ khả quan hơn nhiều. "Mậu được nhà nước miễn giảm hoàn toàn tiền học phí. Sách vở cũng được hỗ trợ. Nhưng như thế chưa đủ chú à. Thiếu vắng bố mẹ, em phải ở với hai ông bà ngoại, nhưng các cụ già quá rồi, vài đồng lương hưu trước đây không đủ cho hai anh em Mậu no bụng đến trường", vừa nói, đôi mắt cô Thảo ánh lên niềm hi vọng sẽ có điều kỳ diệu đến với em.
(nguồn :hn.24h.com)